(Căn bản) Những Điều Người Chơi Cần Lưu Ý Khi Cho Cây Mới Vào Hồ Thủy Sinh

Xin chia sẽ chút kinh nghiệm mà đa số các bạn mới hoặc người chơi đã được 1 thời gian thường không để ý. Những việc nhỏ này tuy dễ làm nhưng sẽ mang lại hiệu quả lớn cho một hệ thống hồ thủy sinh.

1. Đừng vội chủ quan khi mới cắm hay cho cây mới vào hồ và thấy nó phát triển căng đẹp

– Điều này thường xảy ra với đa số anh em mới chơi. Họ mua cây từ trại hoặc từ shop thủy sinh về trồng vào hồ mình, sau 2-3 ngày họ quan sát thấy cây khỏe mạnh căng đẹp thì lại chủ quan cho rằng cây đã thích nghi hoàn toàn. Điều này là sai lầm. Đa số các loại cây thủy sinh khi sống ở môi trường (cũ) cân bằng các yếu tố, chúng đều “lo xa” và luôn tích trữ 1 số dinh dưỡng, năng lượng lớn vào rễ và thân cây phòng khi nguồn thức ăn cạn kiệt (cây ở trại về thường mập ú). Và khi được chuyển nhà qua hồ mới, chúng liền lấy nguồn dinh dưỡng dự trữ này ra tiêu thụ, sau vài ngày lượng thức ăn này đã cạn kiệt và nếu môi trường mới không đáp ứng nổi nhu cầu, chúng sẽ có phản ứng tiêu cực ngay, điển hình là rụng lá, mất màu, và cuối cùng là rữa dần.
– Lời khuyên mình muốn chia sẽ là: nếu bạn là người mới hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm trồng 1 số loại cây, nên quan sát phản ứng của cây liên tục sau ít nhất 1 tuần vì thời gian này cây cần chăm sóc đặc biệt và cung cấp đủ nhu cầu khi qua hồ mới.

2. Đừng áp đặt giờ mở đèn của cây thủy sinh khi mới cho vào hồ

– Trong nhiều năm tư vấn cho nhiều anh em từ bắc vào nam, 1 lỗi thông dụng mình hay thấy anh em vướng phải là: luôn nghĩ rằng cây sẽ tuân theo giờ mở đèn, sinh hoạt của chủ hồ. Ví dụ cây thủy sinh ở trại về thường có lịch quang hợp theo mặt trời, nhưng khi người chơi cắm vào hồ và bật đèn từ chiều đến tối khuya (phục vụ lịch làm việc văn phòng và tối về ngắm cây), thì đa số cây thủy sinh sẽ bị đói ăn ánh sáng cả ngày, và khi chiều tối khép lá đi ngủ thì chủ nhân lại bật đèn 1 cách vô ích. Triệu chứng thiếu ăn này các bạn có thể quan sát rất rõ: các đốt lá dài bất thường, lá gần phía dưới gốc cây rụng dần, cây mọc ngang tìm ánh sáng ở hướng cửa sổ dù “em bật đủ 8 tiếng liên tục” – nhưng lại bật đèn từ 6h chiều đến 2h sáng!!!

Lời khuyên cho các bạn mới chơi như sau:

– Nên tìm hiểu kĩ thời gian bật đèn của môi trường cũ của cây khi mua, và bật đèn bắt chước thơì gian đó ít nhất vài tuần. Sau đó các bạn muốn cây theo thời gian mới của mình thì điều chỉnh hàng tuần, tốt nhất là điều chỉnh không quá 1 tiếng / ngày: ví dụ cây từ trại quang hợp từ 6-7h sáng đến 6h tối, bạn muốn bật đèn từ 12h trưa đến 7h tối thì có thể điều chỉnh dần từ 7h sáng – 6h chiều, tuần sau đổi dần từ 8h sáng đến 7h tối…
– Nếu các bạn muốn bật đèn ngắt quãng, cũng nên xem lại theo loại cây trong hồ. Ví dụ đa số là rêu ráy, dương xỉ, bucep… thì có thể bật ngắt quãng, 4 tiếng buổi sáng, nghĩ 4 tiếng trưa rồi chiều tối bật lại 4 tiếng. Nhưng nếu đa số cây trong hồ là cây cắt cắm (rong), hay cây thảm, thì nên bật liên tục hoặc chia ra như sau: sáng bật liên tục 6 tiếng, nghĩ trưa 2 tiếng, và tối tiếp tục bật 3-4 tiếng. Cách bật đèn này vừa tốt cho cây vì không bắt nó nhịn ăn quá 2 tiếng buổi trưa, lại phù hợp với đa số các bạn làm việc giờ hành chính, muốn tối về ngắm cây chút trước khi đi ngủ.
– ĐỪNG bao giờ nôn nóng, mất kiên nhẫn mà đổi thời gian bật đèn quá nhanh, tin mình đi, việc này sẽ trả giá đắt vì sự bùng phát rêu hại.

3. Nên thả trôi, hoặc cột rễ cây vào 1 viên đá, sứ lọc rồi cho vào hồ, thay vì cắm rễ xuống nền ngay

– Đây là bí quyết của nhiều cao thủ. Những cây khó tính như Sao Nhỏ chẳng hạn, thì việc thả trôi để cây thích nghi, giảm áp lực nước khi hạ thủy, dòng chảy, O2 và Co2 tốt hơn trên bề mặt nước, là cực kì cần thiết để tăng khả năng thích nghi, sống sót. Nhưng đa số các loại cây dễ tính hơn cũng thích sự thích nghi từ từ bằng cách cột rễ chúng thả vào mặt nền, hơn là cắm thẳng rễ xuống 1 bộ nền với nhiều rủi ro về dinh dưỡng và vi sinh, ngoài ra, nhiều bạn mới chơi hay làm tổn thương rễ và thân cây khi cắm xuống nền, hoặc nền còn quá “nóng”. Điển hình là những loại cây như Xương cá mini, đa số họ rotala, Trân Châu 3 lá (siêu đỏng đảnh), Cỏ Nhật… Khi cây thích nghi với môi trường nước mới, chúng sẽ tự mọc rễ mới vào tự bám vào nền. Các bạn cứ thử áp dụng xem, sẽ thành công với nhiều loại cây trước giờ luôn gây khó dễ cho mình.

 

4. Nên thay nước hồ trước khi cho cây mới vào

– Một hồ thủy sinh có sẵn một số loại cây đã thích nghi luôn có 1 lượng hóa chất cảm nhiễm tiết ra bởi chính các loại cây trong hồ. Chúng dùng hóa chất này đễ ức chế rêu hại và những loại cây khác để dành chổ sinh tồn. Khi người chơi cho cây mới vào, những loại cây mới sẽ trong tình trạng shock môi trường và rất dễ bị tổn thương. Các hóa chất cảm nhiễm có sẵn trong nước lâu ngày không thay sẽ đủ nồng độ giết 1 số loài cây yếu và nhạy cảm đang trong tình trạng shock nước đó. Đây là lý do tỉ lệ trồng cây mới của nhiều bạn lười thay nước thấp hơn nhiều so với hồ sạch sẽ, thay nước thường xuyên hơn.

Chúc các bạn thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ hotline
Liên hệ hotline